DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỊA ĐIỂM CHIẾN THẮNG CỦA TIỂU ĐOÀN TÂY ĐÔ TẠI RẠCH ÔNG CỬU NĂM 1968

Những tháng đầu năm 1964, khi Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn cuối, nhu cầu tác chiến và qui mô tác chiến rất cao, tỉnh Cần Thơ phải có đơn vị tập trung cấp tiểu đoàn để tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Theo chủ trương của cấp trên, Tỉnh ủy và Ban quân sự tỉnh sắp xếp các đại đội bộ binh của tỉnh, phát triển thành tiểu đoàn bộ binh lấy tên là Tiểu đoàn Tây Đô quyết chiến, quyết thắng. Vì vậy ngày 24 tháng 6 năm 1964, Tiểu đoàn Tây Đô được thành lập tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, do đồng chí Bùi Quang Đơ làm Tiểu đoàn Trưởng.
Toàn cảnh bia ông Cửu

Tiểu đoàn Tây Đô thành lập là niềm tự hào, phấn khởi của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cần Thơ, nói lên sự trưởng thành và kế tục sự nghiệp một cách xứng đáng đơn vị tiền thân mang tên Tây Đô vào những năm 1959 - 1960. Đồng chí Bùi Quang Đơ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tây Đô thay mặt cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn xin hứa với Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tỉnh đội và nhân dân trong buổi lễ thành lập lời thề sắt đá: “Ra đi là chiến thắng, đánh là tiêu diệt”.

Giữ vững lời thề, sau khi được thành lập, Tiểu đoàn Tây Đô đã liên tiếp tổ chức nhiều trận đánh địch lớn, nhỏ trên khắp các địa bàn tỉnh Cần Thơ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch đồng thời góp phần làm cho địch ở cơ sở sa sút dẫn đến tan rã. Trong đó, phải kể đến trận đánh của Tiểu đoàn Tây Đô tại rạch Ông Cửu, khu vực Thạnh Huề, xã Thường Thạnh, huyện Châu Thành B năm 1968.

Ngày 6 tháng 6 năm 1968, Tiểu đoàn Tây Đô đánh địch phản kích tại rạch Ông Cửu xã Thường Thạnh, huyện Châu Thành, khi chúng đưa Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 33, thuộc Sư đoàn 21 ngụy đi từ Cái Răng vào đây nhằm tiêu diệt lực lượng của ta.

Đúng 9 giờ 30 phút, Đại đội 23 nổ súng, địch chống trả quyết liệt, chiếm trận địa Đại đội 23, đồng chí Hồ Công Xoàng, Đại đội trưởng chỉ huy tổ chức khôi phục trận địa và đã anh dũng hy sinh. Đồng chí Hồ Văn Tửu, Tiểu đoàn trưởng cùng với Ban Chỉ huy Tiểu đoàn cho các Đại đội 28, 20 và Đặc công xuất kích chia thành nhiều mũi bao vây, tiêu diệt địch.

Lúc bấy giờ địch tiếp tục đưa 2 Tiểu đoàn còn lại của Trung đoàn 33 đến ứng cứu. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, các chiến sĩ Đại đội 23 đã anh dũng đánh bật nhiều đợt tấn công của địch, trong đó có đồng chí Phạm Văn Đen, Lê Minh Trước, Trần Văn Miên, Lê Minh Quân… là những con người kiên cường nhất đã bám chặt công sự chiến đấu, góp phần cùng đơn vị giữ vững trận địa.  

Sau gần một ngày chiến đấu kiên cường, Tiểu đoàn Tây Đô đã tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 2 và đánh thiệt hại nặng 2 Tiểu đoàn khác của Trung đoàn 33, Sư đoàn 21 ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu gần 500 tên, bắn rơi 01 trực thăng, thu 22 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng của địch.

Trận đánh của Tiểu đoàn Tây Đô tại rạch Ông Cửu năm 1968 là trận đánh qui mô cấp tiểu đoàn, cho thấy sự trưởng thành lớn mạnh của Tiểu đoàn Tây Đô về trình độ tác chiến, phòng ngự kiên cường chuyển sang xuất kích tiêu diệt địch, đồng thời thể hiện trí tuệ, mưu lược, tính kỷ luật, tình đoàn kết quân dân của người chỉ huy, tập thể cán bộ và chiến sĩ với tinh thần quyết chiến, quyết thắng kẻ thù.

Trận đánh đã giáng cho địch những đòn sấm sét, bất ngờ, không những làm tiêu hao sinh lực địch mà còn góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh bại kế hoạch “tìm diệt và bình định” của Mỹ - ngụy; đồng thời góp phần làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của chúng, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt chiến tranh đi đến ký kết chính thức Hiệp định Pa-ri vào ngày 27/01/1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; Từ đó góp phần tạo ra bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Chiến thắng của Tiểu đoàn Tây Đô tại rạch Ông Cửu xứng đáng được ghi nhận để tuyên truyền và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Vì vậy, vào ngày 02/12/2013 UBND thành phố Cần Thơ ra quyết định số: 3824/QĐ-UBND xếp hạng “Địa điểm chiến thắng của Tiểu đoàn Tây Đô tại rạch Ông Cửu năm 1968” là di tích lịch sử cấp thành phố./.

Hữu Tồn (BT)
Các bài viết khác:
Giao lưu “Tuổi trẻ Cần Thơ - Học tập, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa”   (16/11/2015)
Thế hệ trẻ Cần Thơ tiếp cận Di sản văn hóa   (16/11/2015)
Giao lưu “Văn hóa Cần Thơ - Theo dòng lịch sử” tại Di tích LS-VH Căn cứ Vườn Mận   (28/08/2015)
LỚP TẬP HUẤN CÔNG TÁC GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG VÀ DI SẢN VĂN HÓA TRONG HỌC ĐƯỜNG NĂM 2015   (28/07/2015)
TỔNG KẾT CÔNG TÁC GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG VÀ DI SẢN VĂN HÓA TRONG HỌC ĐƯỜNG NĂM HỌC 2014-2015   (24/07/2015)
<<    ...  6  7  8  9  10    >>